Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có một chỉ số đạt yêu cầu của Chương trình quốc gia Phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt là mức i-ốt niệu trung vị của trẻ em 8-10 tuổi (15,99mcg/dl); 2 chỉ số còn lại đều rất đáng ngại: tỉ lệ mắc bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi đã lên đến 6,6% (cao hơn 1,9% so với năm 2005), độ phủ muối i- ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh 20-40PPm chỉ còn 85,8% (giảm 12,96% so với năm 2005).
Theo kết quả nghiên cứu, tỉ lệ bướu cổ trẻ em ở miền núi là 11,7%, trung du 6,7%, đồng bằng 6,5%, thành thị 5%.Thêm vào đó, kiến thức và thực hành của phụ nữ trong sử dụng muối i-ốt cũng có nhiều vấn đề cần lưu tâm. Về bảo quản muối i-ốt, có tới 18,5% gia đình để muối i-ốt trên bếp hoặc gần bếp lửa; 17,1% gia đình bảo quản muối i-ốt trong các vật dụng hở. Việc bảo quản muối i-ốt không đúng cách như thế sẽ dẫn đến lượng i-ốt trong muối bị hao hụt, không bảo đảm chất lượng để phòng bệnh. Ngoài ra, có tới 99,5% số phụ nữ được hỏi không biết quy định của Nhà nước về việc buôn bán và sản xuất muối i-ốt.
“Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền theo chiều sâu, chú ý tới công tác đào tạo huấn luyện cho cán bộ y tế, kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đối tượng đồng bào vùng sâu, vùng xa; cùng những người sản xuất, buôn bán muối…” – bác sĩ Hoàng Xuân Thuận – Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét – Các bệnh nội tiết tỉnh nhấn mạnh.
Thùy Vy – Thu Phương