Thứ Sáu, 24/01/ 2025

Chào mừng đến với trang thông tin Trung tâm Y tế Thị xã Hoài Nhơn!

TTYT Hoài Nhơn tăng cường thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh

Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp trẻ sinh ra bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh được tỉnh ta triển khai từ năm 2009, đề án chủ yếu tập trung vào phát hiện các dị tật ống thần kinh, hội chứng Down,… đây là những dị tật có hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Do đó, mỗi thai phụ được sàng lọc trước sinh kết hợp với sàng lọc sơ sinh sẽ loại bỏ được 95% các trường hợp thai nhi bất thường, trẻ sinh ra tránh được nguy cơ mắc các bệnh lý nói trên.

Phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh chính là giải pháp quan trọng nhất nhằm hạ thấp tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Thế nhưng do nhận thức chưa đúng, nhiều bà mẹ trẻ, gia đình sản phụ vẫn thờ ơ với việc này.

Tại Khoa Ngoại – Sản, Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn, hàng năm Khoa được giao từ 50 đến 60 chỉ tiêu thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Theo đó, sàng lọc trước sinh được thực hiện cho thai phụ có tuổi thai từ 11 đến 13 tuần, trước khi thực hiện các kỹ thuật, thai phụ được tư vấn về những lợi ích của việc sàng lọc trước sinh để họ yên tâm thực hiện. Sau khi tư vấn thai phụ sẽ được siêu âm và lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm xác định hội chứng Down và các dị tật khác. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ thai phụ biết và chủ động thực hiện sàng lọc trước sinh còn thấp, đa số trường hợp thực hiện là do nhân viên y tế tiếp cận và tuyên truyền, vận động thực hiện.

Có mặt tại Khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn, chị La Thị Thu Hằng, thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, mang thai ở tuần thứ 13, dù rất rõ về các kiến thức chăm sóc sức khỏe thai kỳ nhưng chị lại khá mơ hồ về việc thực hiện sàng lọc trước sinh, sau khi được các nhân viên y tế tuyên truyền, vận động chị đồng ý thực hiện sàng lọc trước sinh vì nhận thức được những lợi ích mà dịch vụ này mang lại. Chị kể: “Sau khi được các cán bộ y tế tư vấn tôi hiểu sàng lọc trước sinh để biết thai nhi khỏe mạnh, tránh mắc bệnh dị tật, tôi thấy sàng lọc trước sinh có lợi cho phụ nữ mang thai bảo vệ sức khỏe của con mình”.

Cũng giống chị Hằng, chị Trương Thị Hồng Vương, thôn Thành Sơn, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn sinh con tại TTYT huyện Hoài Nhơn được 3 ngày cũng có tâm lý lo lắng khi các y bác sỹ thực hiện công tác sàng lọc sơ sinh. Chị tâm sự:“Lúc đầu trước khi thực hiện chị cũng hơi lo lắng vì sợ con mình bị đau nhưng sau khi được bác sỹ tư vấn, chị đã đồng ý cho thực hiện sàng lọc sơ sinh cho con vì điều này sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và điều trị bệnh sớm cho con. Chị nhận thấy việc lấy mẫu máu ở gót chân không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con và lợi ích của việc thực hiện mang lại là rất lớn cho con mình sau này”.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là hai quy trình tách biệt, sử dụng các biện pháp khác nhau và quãng thời gian làm xét nghiệm cũng khác nhau. Đối với quy trình sàng lọc trước sinh được thực hiện bằng xét nghiệm máu và siêu âm cho phụ nữ mang thai từ tuần thứ 11 đến 13, giúp phát hiện sớm các loại bệnh như: Down, rối loạn di truyền, dị tật ống thần kinh, khuyết tật về tim…Quy trình sàng lọc sơ sinh được thực hiện nhằm phát hiện sớm dị tật bẩm sinh, vì có những trường hợp khi đứa trẻ ra đời rồi mới có thể phát hiện được một số bệnh. Kỹ thuật sàng lọc sơ sinh được tiến hành trong vòng 48 giờ sau khi trẻ được sinh ra, trẻ sẽ được nhân viên y tế lấy máu gót chân để phát hiện ra các bệnh như: thiếu men G6PD là bệnh gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động; suy tuyến giáp trạng bẩm sinh là bệnh rối loạn hoặc thiếu hụt tổng hợp hormone tuyến giáp, chậm phát triển trí tuệ và tăng sản thượng thận bẩm sinh là bệnh rối loạn nhiễm sắc thể giới tính.

Bs.CKI Phùng Thị Mai Loan, Phó Trưởng khoa Ngoại – Sản, TTYT huyện Hoài Nhơncho biết: “Hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh được đưa vào kế hoạch hàng năm của Khoa, các cán bộ trong khoa đều thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ mang thai. Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh Khoa có những thuận lợi như trực tiếp tiếp xúc với họ nên dễ dàng tuyên truyền, tư vấn để phụ nữ mang thai hiểu những lợi ich của việc sàng lọc và thực hiện mà không bị gián đoạn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là người dân chưa có ý thực trong việc sàng lọc, kiến thức còn mơ hồ nên việc đi khám sàng lọc chưa được chủ động.

Bác sỹ Loan cũng đưa ra lời khuyên: “Cần tuyên truyền tư vấn cho những phụ nữ chuẩn bị làm mẹ, muốn cho những đứa trẻ ra đời khỏe mạnh những người mẹ nên có vốn kiến thức nhất định về sức khỏe sinh sản để chuẩn bị cho việc làm mẹ của mình cho tốt. Chẳng hạn như xem thông tin này trên các kênh thông tin đại chúng, sách, báo hoặc trên những trang mạng chính thống về lĩnh vực sức khỏe sinh sản. Tìm hiểu kỹ để cho mình một vốn kiến thức về SKSS. Quan trọng hơn nữa là thông qua sự hỗ trợ của cán bộ y tế như khám thai trước sinh để được tư vấn hướng dẫn để chuẩn bị cho việc mang thai được tốt. Phụ nữ mang thai nên dùng AxitFolic trước khi mang thai để ngừa dị tật ở ống thần kinh, hoặc tiêm vắc xin Rubella trước khi dự định mang thai để ngừa nhiễm virút Rubella gây dị tật cho thai nhi, hoặc đối với những đối tượng khi mang thai họ phải biết họ đang là những nhóm nguy cơ cao như những bà mẹ mang thai trên 35 tuổi; những bà mẹ thường bị xảy thai, thai lưu, sinh con chết hoặc chết sớm không rõ lý do; những vợ chồng kết hôn cận huyết thống; những người trong gia đình của mình hoặc gia đình của chồng có trẻ mắc các bệnh rối loạn nhiễm sắc thể như Down, Hội chứng Turner, rối loạn gien, suy tuyến thượng thận bẩm sinh; những đối tượng tiếp xúc với môi trường độc hại có thể gây dị tật cho trẻ hoặc những đối tượng có thai 03 tháng đầu nhiễm siêu vi nghi ngờ nhiễm Rubella hoặc các vi rút khác… thì đối với những đối tượng này khuyên họ nên đi sàng lọc, tuân thủ việc sàng lọc, họ nên có ít nhất một số kiến thức về SKSS để chuẩn bị việc làm mẹ cho tốt “.

Theo thông tin từ Khoa Ngoại – Sản, Trung tâm Y tế Hoài Nhơn cho biết, hiện tại các mẫu máu khô để thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh đều được gửi chuyển phát nhanh đến Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thuộc Trường Đại học Y dược Huế để xét nghiệm và đọc kết quả. Trong trường hợp kết quả có nguy cơ cao Trung tâm sẽ thông báo để cán bộ trực tiếp lấy mẫu máu tại cơ sở biết và thực hiện các bước tư vấn tiếp theo cho thai phụ và người thân của trẻ sơ sinh. Từ đầu năm 2016 đến hiện tại, Khoa Ngoại – Sản, TTYT huyện Hoài Nhơn đã thực hiện được 90 trường hợp sàng lọc sơ sinh, ghi nhận 01 trường hợp nguy cơ cao thiếu men G6PD và 26 trường hợp sàng lọc trước sinh, ghi nhận 01 trường hợp nguy cơ cao mắc hội chứng Down. Các trường hợp nguy cơ cao đã được nhân viên y tế liên lạc trực tiếp để tiến hành các bước điều trị tiếp theo ở tuyến điều trị cao hơn.

Sinh ra những đứa con khỏe mạnh là điều mà tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn. Bởi điều đó không chỉ mang lại hạnh phúc cho gia đình mà còn mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Vì vậy, thai phụ nên tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội./.

Thùy Vy – Thu Phương