Một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần ở người cao tuổi đó là sau khi về hưu trải qua một loạt các biến đổi tâm lý quan trọng do nếp sinh hoạt thay đổi, các mối quan hệ xã hội bị hạn chế. Một số người khó thích nghi được với giai đoạn khó khăn này nên rất dễ mắc phải tâm trạng buồn chán, mặc cảm, thiếu tự tin, dễ cáu gắt, nổi giận với con cháu.Mặt khác người cao tuổi cũng có tâm lý thường sợ ốm đau, bệnh tật, sợ chết. Hơn nữa, người cao tuổi cũng hay mắc nhiều bệnh cùng một lúc như: Tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đái tháo đường… Bệnh tật tuổi già đã làm thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc tâm lý và nhân cách của người bệnh. Bệnh càng nặng, càng kéo dài thì sự biến đổi tâm lý càng trầm trọng.
Bác sỹ Châu Văn Tuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần cho biết: “Các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi rất đa dạng. Biểu hiện nhẹ là khó chịu, lo lắng, rối loạn giấc ngủ. Nặng hơn một chút là suy nhược cơ thể, lo âu, ám ảnh bệnh tật. Nặng hơn nữa có thể có các trạng thái loạn thần, biểu hiện bằng các hoang tưởng, ảo giác và rối loạn ý thức.Rối loạn tâm thần thường gặp ở người cao tuổi: Sa sút trí tuệ, giảm nhận thức liên quan đến tuổi, tự sát, các rối loạn lo âu, mất trí, rối loạn giấc ngủ, rối loạn liên quan đến stress…”
Để phòng ngừa rối loạn tâm thần ở người cao tuổi cần tránh cho các cụ sống cô độc, ít trò chuyện, ít giao tiếp và tâm lý bi quan với cuộc sống và sức khỏe. Tăng cường giao tiếp xã hội, điều chỉnh tâm lý bi quan, tập thể dục đều đặn. Bên cạnh đó, dinh dưỡng hợp lý giảm chất béo, đường, mỡ, tăng cường chất xơ, vitamin, cần tránh thuốc lá, rượu và các chất kích thích. Tránh căng thẳng trong làm việc, sinh hoạt và kết hợp vui chơi giải trí lành mạnh như sinh hoạt nhóm người cao tuổi đồng tuổi để cùng tâm sự, chia sẻ, cởi bỏ gút mắc trong lòng và tạo một cuộc sống gia đình êm ấm hạnh phúc. Khi bị bệnh phải được phát hiện và chăm sóc điều trị kịp thời.
Tóm lại ở người cao tuổi, các bệnh mạn tính chiếm tỷ lệ cao trong đó có các rối loạn tâm thần, đòi hỏi phải điều trị, chăm sóc, quản lý lâu dài, phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc-bệnh nhân-gia đình-cộng đồng. Thực tế cũng cho thấy phần lớn người già chưa có thói quen, điều kiện đi kiểm tra sức khỏe thường kỳ, hệ quả là nhiều người không biết mình có bệnh hoặc nếu biết thì cũng đã muộn và thường không tuân thủ các biện pháp điều trị và phòng ngừa thích đáng. Việc phát hiện bệnh tật sớm, kịp thời là có ý nghĩa cho công tác điều trị cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Thu Phương – Sở Y tế Bình Định