Thứ Hai, 25/11/ 2024

Chào mừng đến với trang thông tin Trung tâm Y tế Thị xã Hoài Nhơn!

Xử trí bệnh nhân đột quỵ

Theo thống kê của BVĐK tỉnh, trong năm 2015 đơn vị này tiếp nhận 2.092 bệnh nhân đột quỵ (trong đó có 1.413 ca nhồi máu não, 679 ca xuất huyết não); năm 2016 có 2.369 ca (1.699 ca nhồi máu não, 670 ca xuất huyết não); năm 2017, tính đến giữa tháng 12 có 2.313 ca (1.755 ca nhồi máu não, 558 ca xuất huyết não). Điểm chung của những bệnh nhân đột quỵ là càng được can thiệp sớm thì hiệu quả điều trị, khả năng hồi phục càng cao. Bệnh nhân bị đột quỵ cấp sẽ khó được can thiệp hiệu quả nếu được chuyển đến bệnh viện sau 6 giờ kể từ lúc khởi phát.

?

Chính vì yếu tố thời gian quan trọng như vậy, nên ngay từ khi thành lập đơn vị Đột quỵ, BVĐK tỉnh đã triển khai ngay Phòng tiêu sợi huyết tại khoa Thần kinh và mô hình “Đội đột quỵ phản ứng nhanh”. Đây là mô hình nhằm phát huy tối đa sự phối hợp giữa bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng của các khoa: Khám – Chẩn đoán hình ảnh – Thần kinh. Mục tiêu duy nhất của “Đội đột quỵ phản ứng nhanh” là rút ngắn tối đa quy trình giữa các bộ phận liên quan, kể từ khi tiếp nhận bệnh nhân. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đột quỵ cấp được chẩn đoán, điều trị kịp thời, giảm các di chứng và có khả năng hồi phục tốt.

Bác sĩCKII Hà Phi Điệp, Trưởng khoa Thần kinh, BVÐK tỉnh cho biết:“Nếu phát hiện bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ cấp, người nhà có thể chuyển thẳng đến BVĐK tỉnh (trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo) để có hướng xử trí kịp thời. Nếu bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, người nhà nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, tại đó có các trang thiết bị, xe cấp cứu để chuyển viện an toàn”

Hiện nay BVĐK tỉnh được trang bị nhiều máy móc hiện đại như: CT-scaner, MRI, DSA…, các kỹ thuật xử trí đột quỵ cấp đều được bác sĩ tại khoa thực hiện thường quy. Bên cạnh đó, khoảng cách từ các huyện, thị xã trong tỉnh đến BVĐK tỉnh không quá xa (thường dưới 2 giờ để chuyển bệnh nhân đến) nên có những thuận lợi nhất định trong việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cấp.

Thu Phương – Sở Y tế Bình Định